3 đứa con gái đổ xăng đ.ốt nhà đ.ốt mẹ: Sự suy đồi vì đất vì tiền đã đến tận đáy
Gần cuối năm, báo chí lại thêm một cái tin về một vụ việc quá đau lòng: tại xã Trung Hoà (Yên Mỹ, Hưng Yên), 3 cô con gái, vì không hài lòng trong việc được chia thừa kế (mẹ không chia cho phần của miếng đất ngoài mặt đường mà chia bên trong), nên đã cùng nhau lấy xăng đ.ốt nhà, đ.ốt luôn cả người mẹ già.
Nếu là 1 người thì còn dễ hiểu do sự quá khích, nhưng đến cả 3 người con gái, thì câu chuyện đã vượt khỏi ranh giới của sự ức chế hay xung đột. Nó trở thành một âm mưu, một tội ác cộng hưởng lớn và là một câu chuyện xã hội, chứ không còn đơn thuần là chuyện một gia đình hay cá nhân.
Có thể đâu đó thấp thoáng tư tưởng trọng nam khinh nữ, khi người con trai có thể được chia phần đất có sự ưu ái hơn, nhưng bất luận vì lý do gì, thì hành xử của 3 cô con gái này thể hiện một sự vô đạo, bất hiếu, bất nhân, trời không dung đất không tha.
Kiểu không được cho của như ý thì g.iết người, đ.ốt nhà, dù người đó là mẹ ruột của mình, thì câu chuyện của sự suy đồi đạo đức, đạo lý đã xuống đến tận cùng.
********
Nông thôn Việt Nam trong ba thập kỷ qua thay đổi nhiều. Những mảnh vườn mênh mông nấp sau các rặng tre, thấp thoáng những ngôi nhà ngói cổ đã nhường chỗ cho những vuông vắn tường gạch, đường bê tông, nhà kiểu Thái kiểu Hàn kiểu lẩu thập cẩm không rõ kiểu gì xanh xanh vàng vàng mọc lên đầy rẫy.
Nó lộn xộn, nhố nhăng, loè loẹt, không vạt nào ra vạt nào, không cái gì ra cái gì, y như văn hoá không ít con người hiện tại ở đó vậy.
Để nhà cao to mọc lên có nhiều lý do, nhưng không phủ nhận, có lý do bán đất mà xây, trong cơn sốt giá đất theo từng đợt.
Một buổi sáng mở mắt dậy, tự dưng miếng đất của mình thành tỷ, thậm chí chục tỷ, đồng tiền đã làm loạng choạng những con người chân chất. Rồi bán. Rồi chia. Rồi cãi vã vì chia không đều. Rồi đ.ánh. Rồi kiện. Rồi từ mặt nhau. Và g.iết, cũng đã không ít trường hợp đau lòng.
Có tiền tỷ, không ít nơi chẳng cần đến mảnh ruộng mùa vài tạ thóc. Ruộng bỏ. Trai làng mua ô tô đi. Trai làng làm cò đất. Cái kiểu tiền có nhưng căn bản không có, mang đến một “không khí người” hỗn tạp, lợn cợn, giàu không ra giàu, có tiền không ra có tiền. Sang thì dĩ nhiên không. Nhưng gốc thì mất hẳn.
Hết đất. Thiếu nhà. Người lơ lửng giữa những đồng tiền tưởng nhiều nhưng quá ít so với nếp sống cả trăm năm. Một xã hội trở thành lộn xộn, nhố nhăng, không ra một thể thống gì cả.
Đất không sinh ra được, cũng có từng đó, người này mua kẻ kia bán. Bán xong, những người nông dân cầm tiền (rồi cũng tiêu sạch) và trở thành người lơ lửng ở chính quê hương của mình. Mãi lơ lửng cho đến xong một kiếp người.
Trong cái hành trình lơ lửng ấy, nghĩa mất, tình mất, gốc rễ mất, thậm chí gia đạo, gia đình mất. Mất không còn gì.
********
Khi bạn có tiền mà bạn không có căn bản về văn hoá, giáo dục, đạo đức, thì tất cả những tồi tệ có thể xảy đến từ bạn, là chuyện hết sức bình thường.
Thế nên mới có cái chuyện khi cha mẹ chưa có gì, con cái hỏi “thế ông bà cho được tôi cái gì?”. Nhưng khi đất sốt thì về tranh về giành.
Nhiều gia đình, đứa con ở nhà nặng gánh tổ tông hiếu nghĩa để những đứa con khác rảnh ranh đi ra đời kiếm tiền làm giàu và sống cuộc sống không vướng bận nghĩa vụ trách nhiệm.
Nhưng khi ở nhà đất sốt, thì nhảy về chia chác không sót nắm nào. Mà trong số họ không ít những kẻ giàu có, thành đạt, thậm chí học thức.
Đất đai lên, lối sống vô ơn, bạc nghĩa, bất đạo bất hiếu bất nhân vô tình cũng cứ thế lên ngôi. Giờ, không còn là cá biệt nữa, mà đã thành phổ biến rồi.
Thôi thì hy vọng một thế hệ tiếp theo được giáo dục căn bản; được giáo dục về cho – nhận một cách rõ ràng, ý thức bảo tồn và gìn giữ những gì cha ông để lại một cách cẩn thận, sống có nhân có nghĩa một cách tử tế.
Chứ như bây giờ, nhìn vào trong thế hệ lai căng nửa mùa, cũng thấy chẳng mấy khá hơn đâu!
Hoàng Nguyên Vũ